-
- Tổng tiền thanh toán:
Âm vang tiếng trống đồng
Với kỹ thuật thủ công truyền thống, những nghệ nhân xứ Thanh đã cho ra lò những trống đồng Đông Sơn huyền thoại giữa thế kỷ XXI. 100 chiếc trống dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, trống dâng Đại tướng và trống mang hình ảnh Bác Hồ...
Tìm lại tiếng trống đồng Đông Sơn
Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) vốn là làng nghề đúc đồng truyền thống hàng trăm năm nay. Không biết nghề có từ khi nào chỉ biết, trong làng còn có đền thờ ông tổ của nghề đúc đồng Khổng Minh Không. Thời thịnh vượng nhất của làng có tới 90% số hộ làm nghề đúc đồng. Trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng rộn rã tiếng đe tiếng búa. Sản phẩm của làng có mặt và nổi tiếng khắp vùng, không chỉ ở xứ Thanh mà còn theo chân các nhà buôn đi khắp mọi miền đất nước.
Chỉ với cách làm thủ công truyền thống, hàng trăm chiếc trống đồng có nguồn gốc xứ Thanh đến được với khắp mọi miền trong và ngoài nước.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà với cơ man là trống đồng, nghệ nhân Lê Văn Bảy kể lại câu chuyện cái nghề gắn với cuộc đời anh. “Gia đình tôi, cha truyền con nối làm nghề này. Bố tôi là nghệ nhân Lê Văn Du cũng nối nghề từ ông bà tôi rồi anh em tôi lớn lên lại được cha truyền lại nghề. Thời điểm anh em tôi lớn lên cũng là lúc nghề đúc đồng truyền thống của làng đi vào mai một rồi tắt hẳn. Lúc đó, đứa trẻ hơn 10 tuổi trong tôi đã biết tiếc nuối. Không còn cách nào khác, anh em tôi cũng bôn ba khắp nơi mang nghề theo để mưu sinh nhưng cũng không thoát khỏi cơn đói nghèo”.
“Một ngày, vào khoảng năm 2001, bố tôi khi ngồi xem tivi, thấy giới thiệu ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày chiếc trống đồng cổ, ông đã vượt đường xa đến đó xem, nhìn kỹ thuật đúc trống tinh xảo của người xưa, cụ bèn quyết đúc một cái trống như thế. Ông nhanh chóng nhập tâm hoa văn, kiểu dáng, rồi dùng tất cả kinh nghiệm lão luyện của một người thợ già để làm khuôn, vẽ hoa, tính toán lượng đồng, cách đúc”.
“Không biết bao nhiêu lần đúc hỏng rồi phá đi đúc lại, cuối cùng bố con tôi cũng đúc thành công một chiếc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống mà cả trăm năm nay thách thức bao nhiêu thế hệ thợ đúc đồng trong và ngoài nước”- anh Bảy chia sẻ.
Khoảnh khắc biết đã thành công, bố con anh lặng người, lòng rưng rưng khi biết rằng đã đến lúc làm sống dậy cái nghề truyền thống của làng đã tắt ngúm từ lâu.
Rồi anh Bảy hồ hởi khoe: “Sau những cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm những lần thất bại, chúng tôi đã đúc thành công những chiếc trống đồng có thể kêu rộn rã, hoàn toàn bằng phương pháp đúc đồng thủ công truyền thống của người Đông Sơn cổ”.
Đối với nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn (TP Thanh Hóa)- Giám đốc Công ty TNHH Trống đồng Việt, cái duyên nghề đúc đồng cũng đến với anh tự nhiên như hơi thở. Từ niềm đam mê mang tên “Bảo tồn nghề đúc đồng-phục hồi văn hóa Việt”, anh Tuấn đã bỏ cả tuổi trẻ để đi tìm chiếc trống đồng Đông Sơn.
Khi mới vào nghề, anh Tuấn chỉ nghĩ mình sẽ sưu tầm các hiện vật bằng đồng chứ chưa hề có khái niệm gì về việc đúc trống đồng. Tuy nhiên, sau những lần tìm thấy đồ đồng cùng những hoa văn, họa tiết kỳ lạ của người xưa đã dấy lên trong Tuấn niềm say mê không thể dứt bỏ.
Nghệ nhân Tuấn cho biết: Không những thể hiện được những hoa văn của Đông Sơn trên mặt trống mà còn phải tìm công thức để trống có thể ngân vang như tiếng trống trận, tiếng trống hiệu triệu của các thủ lĩnh Lạc Việt xưa kia.
Trong những lần trò chuyện, tôi đều thấy khát khao cháy bỏng được khám phá tận cùng nghề đúc trống đồng của cả hai nghệ nhân trẻ. Lê Văn Bảy tâm sự với tôi rằng: “Chúng tôi vẫn vừa làm vừa học lại nghề của người xưa thôi, không có cách gì khám phá hết nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn cả. Chẳng hạn, dù đã đúc ngàn sản phẩm, tôi vẫn không hiểu tại sao trên pho tượng đồng Đông Sơn cổ, có mảnh gỗ làm cốt tượng lại không bị cháy, khô nguyên trong khi đồng nóng chảy trên ngàn độ?
Nay, với những thanh cốt đó, chúng tôi phải làm bằng thép. Tôi có thể tính ra tỉ lệ các chất trong hợp kim đồng, độ dày mỏng từ những chiếc trống đồng cổ, nhưng khi áp dụng như vậy vào sản xuất thì không thể coi là đã chuẩn mực như trống cổ. Tinh hoa ngàn năm của người xưa, không dễ gì dăm năm hay mười năm tìm hiểu mà biết hết được”.
Thổi hồn vào trống
Không những thể hiện được những hoa văn của Đông Sơn trên mặt trống, các nghệ nhân còn phải tìm công thức để trống có thể ngân vang như tiếng trống trận, tiếng trống hiệu triệu của các thủ lĩnh Lạc Việt xưa kia.
Trong hành trình gắn liền với trống đồng, có rất nhiều những lần đúc trống khiến các nghệ nhân không thể quên được. Tuy nhiên, với các anh, sự kiện được vinh dự nhận nhiệm vụ đúc 100 trống dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long hay đúc trống khắc họa hình ảnh Hồ Chủ tịch, trống, súng thần công dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là những dấu ấn trong cuộc đời làm nghề của mình.
Vào tháng 3/2008, cơ sở của anh Tuấn được giao nhiệm vụ đúc 50/100 chiếc trống đồng để dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. 49 chiếc trống nhỏ là phiên bản của trống đồng Quảng Xương và trống đồng Hoàng Hạ sẽ có cùng kích cỡ với đường kính mặt trống 60cm, chiều cao thân trống là 48cm.Trên hông trống sẽ có hình triện vuông trong đó có hình 2 con rồng, hình Khuê Văn Các và dòng chữ "Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”.
Riêng chiếc trống to nhất có đường kính mặt là 1m, cao 79cm có hình 1.000 con rồng – vật phẩm đặc biệt cùng 99 chiếc còn lại dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. 50 chiếc còn lại được Hội cổ vật và Di sản văn hóa Lam Kinh giao cho cơ sở sản xuất của nghệ nhân Thiều Quang Tùng (Đông Sơn). Điều đáng nói ở đây, 100 chiếc trống đồng phục vụ Đại lễ 1.000 năm không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu như đẹp về hình thức, chuẩn về kỹ thuật mà còn phải thực sự là một nhạc khí. Bởi 100 chiếc trống này sẽ phục vụ cho tiết mục đánh trống đồng, mở màn Chương trình Lễ hội 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội.
Hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ cao cả, đến cuối tháng 9/2009 thì 50 chiếc trống đồng dưới bàn tay của anh Tuấn cùng gần 100 công nhân đã hoàn thành. Sự kiện đó cũng đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đúc trống đồng của anh.
Với nghệ nhân Thiều Quang Tùng, anh không những thành công ở giàn trống đồng phục vụ Đại lễ Thăng Long mà anh còn là nghệ nhân đầu tiên của Việt Nam đúc thành công chiếc “Trống đồng khắc họa hình ảnh cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhân dịp 120 năm ngày sinh của Bác, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2010.
Do trống được đúc mô phỏng hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, với mặt trống có đường kính lớn 1,2m, chiều cao 1m đã khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu nhất về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thân trống nên công việc sưu tầm hình ảnh về Bác Hồ phải khá tỉ mỉ.
Ngoài ra, nghệ nhân Tùng đã cùng nghệ nhân Tuấn đúc thành công chiếc trống đồng, súng thần công, kiếm lệnh dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điểm nhấn của trống đồng này là thân trống được khắc những hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp của Đại tướng như: Hình ảnh nhà lưu niệm Đại tướng trên mảnh đất quê nhà; hình ảnh 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền Tổng chỉ huy cho Đại tướng; hình ảnh quốc kỳ bay trên nóc hầm tướng De Castries và xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập…
Chia tay các nghệ nhân trong buổi chiều cuối năm hanh hao lạnh, mùa xuân đang về, hoa xuân đang đua nhau khoe sắc chờ ngày khai hội. Tiếng trống đồng đang ngân vang trong nắng chiều rám đỏ, như tiếng hịch thuở Hùng Vương từ ngàn xưa vọng lại, gợi nhớ những buổi tế trời đất linh thiêng trên Đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh của đất Tổ Phong Châu.
Nguồn: Dân Trí
Tags:
trống đồng