Đồ Đồng Đông Sơn - Đồ đồng mỹ nghệ cao cấp

Cuộc đời Đức Phật Thích Ca và những điều chưa biết-P2

TẠO LẬP TĂNG ĐOÀN

Sứ mạng cao cả Đức Phật muốn thực hiện là phải hóa độ và kết nạp đệ tử. Những người đệ tử đầu tiên này phải có kiến thức để thấu hiểu giáo lý của Ngài rồi sau đó mới nới rộng đến tất cả mọi người. Ngài thiết lập Tỳ kheo (nam phái) trước rồi Tỳ kheo ni (nữ phái) sau.

Trước hết, Ngài muốn đem giáo lý ấy truyền cho hai vị thiền sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta đã dạy cho Ngài thiền vô sắc lúc ban đầu. Ngài Alara chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ còn ngài Uddaka thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đức Phật dạy rằng: “Này chư Hiền, Ta suy nghĩ như sau: “Ở đây, Tỳ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: ‘Không có sự vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ”. Này chư Hiền, đây gọi là Vô sở hữu xứ”. Ở trong tầng thiền định Vô sở hữu xứ này, hành giả sẽ thấy rằng không những không có người nào mà cũng không có vật gì mà ta có thể nắm bắt hay níu giữ được. Phi tưởng phi phi tưởng xứ nghĩa là không tưởng, nhưng không phải không có tưởng bởi vì những tâm sở như thọ, xúc vẫn còn dưới dạng cực kỳ vi tế cho nên không thể nói là không có tưởng vì nó còn dưới dạng dư tàn vậy. Việc thăng tiến từ một tầng thiền chứng vô sắc này đến một tầng thiền chứng vô sắc khác diễn ra bằng sự thay đổi đối tượng của định, chứ không phải bằng sự diệt hay thay thế các phần tử cấu thành của chúng. Cả bốn tầng thiền sắc giới và vô sắc giới đều có cùng nhóm các tâm sở căn bản và hai thiền chi, đó là bất khổ, bất lạc thọ. Đây là những cấp thiền thuộc về vô sắc giới cao nhất mà các tu sĩ Du già có thể đạt được thời bấy giờ.

Theo kinh Thánh Cầu trang 379, Đức Phật đã nói cùng các Tỳ kheo rằng:

“Này các Tỳ kheo! Rồi Ta tự suy nghĩ:
“Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chánh Pháp này?” Này các Tỳ kheo! Rồi Ta tự suy nghĩ: “Nay có Alara Kalama là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết Pháp đầu tiên cho Alara Kalama, vị này sẽ mau hiểu Chánh Pháp này”. Này các Tỳ kheo! Rồi Chư Thiên đến và nói với Ta như sau: ”Bạch Thế Tôn! Alara Kalama đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Này các Tỳ kheo! Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Alara Kalama: Nếu nghe pháp này, Alara Kalama sẽ mau thâm hiểu”.

Rồi này các Tỳ kheo! Ta lại nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh Pháp này?” Rồi này các Tỳ kheo, Ta lại nghĩ: “Nay có Uddaka Ramaputta là bậc tri thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Ramaputta, vị này sẽ mau hiểu Chánh Pháp này”. Rồi Chư Thiên đến nói với Ta như sau: “Bạch Thế Tôn! Uddaka Ramaputta đã mệnh chung hôm qua”. Này các Tỳ kheo! Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Ramaputta. Nếu nghe Pháp này, Uddaka Ramaputta sẽ mau thâm hiểu”.

Này các Tỳ kheo! Rồi Ta suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh Pháp này?” Rồi này các Tỳ kheo! Ta lại nghĩ: “Nhóm năm Tỳ kheo này đã hầu hạ Ta khi Ta còn nỗ lực tinh cần, nhóm ấy thật giúp ích nhiều. Vậy, Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho nhóm năm Tỳ kheo”. Rồi này các Tỳ kheo! Ta lại nghĩ: “Nay nhóm năm Tỳ kheo ở tại đâu?” Này các Tỳ kheo! Với Thiên Nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy nhóm năm Tỳ kheo hiện ở Barasina, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này các Tỳ kheo! Sau khi ở tại Uruvela lâu cho đến khi mãn ý, Ta lên đường đi đến Baranasi”.

Như lời nguyện xưa là “Ai thành đạo trước thì tìm độ cho nhau” cho nên Đức Phật liền tìm đến vườn Lộc uyển (Deer Park) để thuyết pháp cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia. Đó là các ông: Kiều Trần Như, Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam, và Bạc Đề. Đức Phật trên đường đến vườn Nai bằng bước chân thanh thoát xuất trần với dáng vẻ ngời ngời Trí Tuệ và bằng ánh nhìn trong sáng Từ Bi qua chiếc áo rách nhiều năm tháng phất phơ trong gió sớm, mưa chiều. Ngài thong dong bước với bình bát trong đôi tay vàng óng ả, với mái đầu tóc xoắn điểm phong sương.

Bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật nói về chân lý Tứ Diệu Đế mà đầu đề bài kinh là Dhamacakkappavattana, có nghĩa là “Chuyển bánh xe Pháp”. Trong bài kinh nầy, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên theo hai cực đoan: cực đoan thứ nhất là đam mê thú vui nhục dục thế gian, thực ra đó chỉ là những cái vui tầm thường, nhất thời và ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh. Còn cực đoan thứ hai là khổ hạnh, ép xác chỉ làm mệt mỏi tinh thần và mê mờ trí tuệ. Vì thế cả hai đều có hại và vô ích. Con đường mà Đức Phật muốn nói ở đây chính là con đường trung đạo dẫn tới cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt và sau cùng sẽ được giải thoát. Con đường giải thoát nầy chính là Bát Chánh Đạo. Đó là:

1)Chánh kiến: Thấy biết chân chánh nghĩa là không cộng ngã kiến vào.

2)Chánh tư duy: Suy nghĩ chân chánh, khách quan và không suy nghĩ tà kiến.

3)Chánh ngữ: Nói năng chân chánh nghĩa là không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ và không nói lời vô nghĩa.

4)Chánh nghiệp: Hành động chân chánh nghĩa là không được sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu.

5)Chánh mạng: Sinh sống bằng nghề lương thiện, không lợi mình hại người.

Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng đưa con người trở về sống với đạo đức nhân bản và đây là những bước căn bản tối cần thiết để giúp người tu đi vào thiền định. Mục đích năm phần đầu của Bát Chánh Đạo dạy con người giữ giới, sống đời lương thiện khiến cho cuộc sống của họ trong thế giới này sẽ có hạnh phúc, an vui, tự tại và chắc chắn sẽ không còn lo lắng, buồn phiền nữa.

6)Chánh tinh tấn: Siêng năng, cần mẫn làm lành tránh dữ.

7)Chánh niệm: Chánh niệm là biết rất rõ mọi biến hành của thân và tâm. Ngược lại người không sống trong tỉnh thức chánh niệm thì ăn không biết mình ăn, mặc không biết mình đang mặc, thở không biết mình đang thở. Chánh niệm là trạng thái trước khi biểu tượng hình thành và nó vượt ra ngoài mọi lý luận của ý thức. Chánh niệm phản chiếu những gì đang xảy ra ngay trong sát na hiện tại và không có chút thiên vị vì vượt ra ngoài tầng ý thức phân biệt. Có hai loại thiền trong Phật giáo, thứ nhất là thiền quán tức là trí tuệ hay còn gọi là thiền Tứ niệm Xứ (thiền Vipassana). Đó phương pháp thiền để theo dõi mọi sự biến hành của thân, thọ, tâm, pháp.

8)Chánh định: Giai đoạn sau cùng là nhập vào thiền định mà tứ thiền là phương pháp duy nhất để ứng dụng. Đắc tứ thiền, chứng tam minh là có giải thoát trở thành A la hán.

Đây là lối giải thích cho người bình thường để có một cái nhìn đơn giản trong cuộc sống thế tục. Tuy nhiên, cao hơn nữa, trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật đã giải thích Bát Thánh Đạo cho những ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ như sau:

1)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.

2)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.

3)Này các Tỳ kheo thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.

4)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.

5)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỳ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.

6)Này các Tỳ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn? Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.

7)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán cảm thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán tâm trên các tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.

8)Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỳ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỳ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỳ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh định.

Dựa theo Kinh Trung Bộ (bài kinh số 10) thì Pháp Tứ Niệm Xứ thường được hiểu là “Con đường duy nhất “ để tiến đến giải thoát giác ngộ, nhưng thật ra “Con đường duy nhất” đã được Đức Phật nhắc đến không phải là Tứ Niệm Xứ mà chính là Bát Chánh Đạo. Trong kinh Pháp Cú (273-274), Đức Phật dạy rằng:

Trong tất cả các con đường

Con Đường Tám Chánh là thù thắng nhất

Đây là con đường duy nhất

Không có con đường nào khác

Để đi đến tri kiến thanh tịnh

Vì thế con đường duy nhất để đi đến giải thoát giác ngộ là Bát Chánh Đạo mà Tứ Niệm Xứ với bốn nền tảng của Chánh niệm chỉ là một phần của con đường đó. Trong Phật giáo, thiền tuệ (thiền quán) tức là thiền minh sát gồm có ba thành tố căn bản là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến. Trước hết chánh kiến giúp hành giả luôn sống trong tỉnh giác, còn chánh tinh tấn và chánh niệm làm nên tảng và chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và chánh định có trách nhiệm hổ trợ. Bát chánh đạo là một tổ hợp cho nên hành giả muốn có kết quả thì phải thực hành hoàn mỹ toàn bộ tám nhánh bởi vì mỗi nhánh tương quan và hổ trợ cho các nhánh khác, bất khả phân ly. Thí dụ muốn thực hành thiền thì tâm phải an mà muốn có tâm an thì hành giả phải sống cuộc đời đạo đức nhân bản tức là phải biết ly dục, ly bất thiện pháp. Từ thiền định đó, hành giả quay về nhận thức về cuộc sống rõ ràng hơn, tự mình thấu biết thế nào là vô thường, khổ và vô ngã cho nên cuộc sống sẽ thăng hoa hơn và nhờ thế hành giả mới có thể đi sâu vào thiền định được.

Trong Phật giáo, ba con rắn độc hại đối với con người là tham, sân, si mà trong đó sân hận là con rắn nguy hiểm nhất. Tại sao? Bởi vì “Nhất niệm sân tâm khởi, bách chướng vạn môn khai” nghĩa là khi có một tâm niệm sân hận, tức giận khởi lên mà con người nếu không tự kiềm chế, không tự khắc phục thì biết bao trăm ngàn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại tiếp nối theo sau đó. Vì thế để đối trị với tham, sân, si Đức Phật đưa ra Giới, Định, Tuệ. Nếu chúng sinh giữ giới trong sạch thì tham sẽ hết. Nếu có chánh định, tâm an ổn, thanh thản bình yên thì chắc chắn sân sẽ biến mất. Sự tiêu diệt lòng sân hận biến cuộc sống trở thành bình yên, nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Do vậy, tâm an thì thế giới an, tâm bình thì thế giới mới bình cho nên người có chánh định sẽ vui vẻ và phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả đối với tất cả mọi người chung quanh. Nếu hành giả không có chánh định thì tuy có thực hành chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và ngay cả chánh niệm thì sự thực hành đó cũng chỉ là bề ngoài chớ chưa phải đi sâu vào sự tu tập. Nói cách khác, chỉ khi nào đi sâu vào thiền định thì lúc đó hành giả mới thực sự cảm nhận được bản tâm của mình. Nói cách khác không có một chúng sinh nào chứng ngộ Niết bàn mà không thực hành rốt ráo Bát Chánh Đạo nghĩa là nếu bỏ sót một chi nào của Bát Chánh Đạo thì không bao giờ có giải thoát. Nếu thật sự có, với trí tuệ của vị Phật toàn giác, Đức Phật đã dạy Thất Thánh Đạo hay Lục Thánh Đạo, nhưng tuyệt đối chỉ có Bát Thánh Đạo. Ngày nay, với trí tuệ phàm nhân, con người có thể thêm bớt, sửa đổi đạo lộ giải thoát và cho đạo lộ “hiện đại” đó cũng dẫn đến Niết bàn. Thậm chí, họ còn cho đại lộ “hiện đại” đó rất dễ tu tập và nhanh chóng chứng đắc Niết bàn nữa là khác. Thật ra Niết bàn “hiện đại” ấy không dính dấp gì tới sự đoạn diệt khổ đau, hay chấm dứt sinh tử luân hồi cả.

Như vậy, con người không thể chấm dứt tử sanh luân hồi nếu không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới Học mà trong đó Thiền Định (Tứ thiền và Tứ Không định) và Thiền Tuệ (thiền Tứ Niệm Xứ) là hai nền tảng đưa hành giả đến chỗ giải thoát.

Có người lý luận rằng sống trong cuộc đời chỉ cần có chánh niệm, không cần tham thiền nhập định, nghĩa là người đó lúc nào cũng biết mọi biến hành xảy ra chung quanh là đủ? Thật ra nếu không thực hành chánh định nghĩa là không đi sâu vào định thì tính sân vẫn còn, tuy có chánh niệm tức là biết những việc đang xảy ra, nhưng một khi có việc bất trắc xảy đến thì làm sao có thể ngăn được lòng sân của mình nổi dậy? Nếu có chánh niệm mà không có giới thì làm sao ngăn được lòng tham một khi ái dục nổi lên? Vì thế chánh niệm tự nó không đủ mà cần phải có chánh định thì việc hành trì mới được hoàn mãn. Nói cách khác chánh niệm không thể đưa người tu đến chỗ giải thoát mà phải cần đến chánh định tức là bốn tầng thiền của sắc giới và vô sắc giới. Vì thế nếu không có chánh định thì không bao giờ có giác ngộ. Nhưng muốn có định thì phải có giới và từ định trí tuệ sẽ phát sinh nghĩa là Giới năng sinh Định và Định năng sinh Huệ. Tóm lại, giới, định, tuệ là ba giềng mối luôn gắn liền với nhau, bất khả phân ly nghĩa là hành giả phải có giới thì mới có định và sau đó trí tuệ sẽ phát sinh. Ngược lại người phá giới thì không bao giờ có chánh định, nếu có thì chỉ có tà định, và trí tuệ giải thoát không phát sinh cho nên họ sống trong mê lầm của dục lạc, luôn tranh chấp lợi danh cũng như Đề-Bà-Đạt-Đa ngày xưa. Do đó nếu cho rằng chỉ có chánh niệm là đủ thì đây là đủ trong cuộc sống bình thường của người bình thường chớ không phải cuộc sống của người giải thoát giác ngộ.

Tóm lại con đường đưa đến giải thoát là không còn tham, không còn sân và không còn si.

1)Muốn không còn tham thì hành giả phải giữ tròn giới hạnh nghĩa là phải thực hành đứng đắn chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Đó là không được sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và không vọng ngữ nghĩa là không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ và không nói lời vô nghĩa.

2)Muốn không còn sân, hành giả phải thực hành chánh tinh tấn, chánh niệm và dĩ nhiên thành tố chính là chánh định. Muốn chinh phục, kiểm soát được nội tâm thì thiền định là phương pháp phát huy tinh thần hiệu nghiệm nhất mà theo đó hành giả chú tâm vào một đối tượng hay quán hơi thở (tầm và tứ) cho đến khi tâm an trú và không lay động bởi ý tưởng hay cảnh vật bên ngoài.

3)Sau cùng muốn không còn si thì hành giả thực hành rốt ráo chánh kiến và chánh tư duy bởi vì trí tuệ phát sinh thì si mê (vô minh) sẽ bị diệt cũng như có ánh sáng thì màn đêm biến mất.

 Đây chính là tiến trình tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ đưa người tu thẳng đến chỗ giải thoát và ra khỏi sinh tử đau khổ luân hồi.

Sau đó, Đức Phật thuyết pháp cho họ bài pháp thứ hai với tựa đề “Anttlakkana Sutta”. Đây là nói về chân lý vô ngã (không có cái Ta). Trong đó, Đức Phật đã khẳng định rằng: “Tất cả mọi hiện tượng trong thế gian này đều không ngừng tác tạo. Vì là do nhân duyên, nhân này quả nọ, mà thành chớ không có một vật thể nào tự chúng có được nên tất cả mọi hiện tượng đó không có thực thể, không có tự tánh tức là Vô Ngã”. Con người chúng ta cũng thế, không có cái gì gọi là Cái Tôi hay Cái Của Tôi tức là Vô Ngã. Đức Phật gọi Cái Tôi chỉ là một ảo giác do tâm thức biến hiện. Sự sai lầm là con người luôn đồng hóa ngũ uẩn (thân, tâm) là Tôi cho nên họ luôn bám chặt vào nó như là một cá thể vững bền. Nói một cách tổng quát, thân thể con người gồm có hai phần là thân xác và tâm linh. Phần thân xác có hình dáng nên gọi là sắc uẩn và phần tâm linh gồm có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Tuy nhiên, trong kinh Nikayà, ngũ uẩn thường được gọi là “ngũ thủ uẩn” nghĩa là năm đối tượng của sự chấp thủ, của tâm tham ái. Vì thế ngũ uẩn là nguyên nhân của biết bao nỗi khổ niềm đau mà con người gánh chịu trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Ngược lại đối với người giác ngộ thì ngũ uẩn lại là phương tiện giúp họ giải thoát. Vì vậy, Phật và ta không hai, không khác, không thể tìm Phật ngoài tấm thân ngũ uẩn này được. Sự bám vúi vào “Cái Tôi” chính là nguyên nhân đem lại biết bao nỗi khổ đau trong kiếp sống này và mãi mãi về sau. Bởi vì: “Chư Pháp tùng bổn lai, Thường tự tịch diệt tướng” nghĩa là tất cả các pháp từ xưa đến nay, tánh chúng thường vắng lặng, không hạnh phúc và cũng chẳng có khổ đau. Vì thế khi nói khổ đau hay hạnh phúc là có sự hiện diện của bản ngã trong đó nghĩa là tôi khổ hay tôi hạnh phúc rồi. Thí dụ cành hoa tự nó không đẹp, không xấu, không thơm, không thúi cho nên người biết đạo thì nhìn cành hoa là cành hoa thì tâm an lạc. Ngược lại, nếu cho cành hoa là đẹp thì trong tâm đã có sự so sánh, phân biệt. Tại vì mình cho nó đẹp, mình nghĩ nó đẹp…tức là có tự ngã. Thế thì đau khổ là không được như ý mình muốn còn hạnh phúc là thỏa mãn được ý muốn của mình. Nói cách khác thỏa mãn được Cái Tôi thì gọi là hạnh phúc, ngược lại không thỏa mãn được Cái Tôi thì gọi là đau khổ chớ trên thế gian này không có cái gì là khổ đau hay hạnh phúc cả. Do đó khi không còn sống với bản ngã thì người đó trở về sống với thực tánh pháp thì gọi là giải thoát thế thôi. Vì tầm quan trọng của ngũ uẩn, chính ngài Xá Lợi Phất dạy rằng: ”Người đã đắc Quả Nhập Lưu phải gia công chuyên cần quán niệm cũng ngũ uẩn ấy một cách đầy đủ, và tự mình chứng nghiệm rằng năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã. Kết quả là thế nào? -- Vị ấy sẽ tiến đạt thêm lên một tầng, thành tựu Đạo và Quả Nhất Lai (Tư Đà Hàm). Rồi vị Thánh Nhất Lai hành thiền về đề mục gì? -- Cũng lại ngũ thủ uẩn ấy nữa. Và do công phu hành thiền nầy vị ấy đắc Quả Bất Lai (A Na Hàm). Rồi vị A Na Hàm hành thiền về đề mục gì? -- Cũng ngũ thủ uẩn. Đến đây vị ấy đắc Quả A La Hán. Và vị A La Hán hành thiền về đề mục gì? -- Cũng ngũ thủ uẩn. Điều nầy cho thấy rằng năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức luôn luôn là đề mục quán niệm. Cho đến khi đã đắc Quả A La Hán rồi cũng vẫn quán niệm ngũ thủ uẩn”.

Năm vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được giác ngộ và không bao lâu đều trở thành A la Hán và họ là năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Sự kiện lịch sử này diễn ra vào một ngày trăng rằm vừa đúng hai tháng sau ngày Đức Phật thành đạo.

Gần Benares, có người con trai của nhà triệu phú tên là Da Xá (Yasa). Mặc dầu sống trong nhung lụa nhưng ông ta lại chán cảnh sống thế gian tầm thường vô vị. Ông tìm đến Đức Phật và được Ngài thuyết giảng về hạnh Bố thí, về nếp sống đạo đức, về các cõi trời, về nguy hại của dục lạc thế gian và sau cùng là về hạnh phúc của nếp sống Thánh thiện, lòng từ bi hỷ xả và không tham cầu ái dục. Kế đến, Đức Phật thuyết giảng cho ông về chân lý Tứ Diệu Đế để tận diệt mọi nỗi khổ đau ngõ hầu đạt đến Niết bàn. Đức Phật đã thuyết pháp liên tiếp trong 3 tháng cho tất cả mọi người trong gia đình của Da Xá. Toàn bộ gia đình 55 người đều qui y theo Phật.

Bấy giờ, Đức Phật có sáu mươi đệ tử đều là A La Hán, Ngài dạy họ phải giữ đúng giới luật và sau đó thọ ký cho họ đi truyền đạo khắp nơi.

Đức Phật dạy rằng:“Hỡi các Tỳ kheo, Ta đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thế gian và xuất thế gian. Các người cũng vậy, cũng đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian”.

Khi thành lập Tăng đoàn, Đức Phật gọi tất cả người xuất gia là “Tỳ khưu” (Bhikkhu) tức là khất sĩ. Khất sĩ không nhất thiết chỉ là người khất thực mà phải là người thấy được sự nguy hiểm của tham ái trong luân hồi. Khất sĩ là người thật sự buông bỏ vì thế từ Đức Phật đến 1,250 vị A la hán khác đều là khất sĩ và họ chỉ có duy nhất tam y nhất bát. Cuộc sống của người giác ngộ rất đơn giản, thanh thản và được thể hiện bằng:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu

Nghĩa là:

Một bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem trần thế

Mây trắng hỏi đường qua.

Đức Phật lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, với 60 người học trò vừa chứng được Thánh quả A la hán, đã tổ chức thành một tăng đoàn những tu sĩ khuất thực. Họ không nhà ở cố định, không có của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và bình bát để xin ăn. Họ thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và cuộc sống thánh hạnh bằng cách tự mình nêu gương sáng về cuộc sống đó. Họ chỉ có hai điều là lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Nhưng với hai thứ vũ khí nầy, họ đã chinh phục biết bao con tim và khối óc trên đường hành đạo.

Sau khi chia tay với những đệ tử đầu tiên nầy, Đức Phật đi về phía Nam gần vùng Uruvela. Nơi đây có ba vị tu khổ hạnh là ba anh em ông Ma-ha Ca-Diếp (Uruvela Kassapa), Nadi Kassapa và Gaya Kassapa. Ông Ca-Diếp thờ thần lửa và tự cho mình đã chứng quả A la hán. Ba anh em ông ta đều là những đạo sĩ có danh vọng lớn ở xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) nầy. Đức Phật đến gặp ông lần đầu tiên và xin được phép ngủ qua đêm. Ông nầy có thờ một con rắn thiên rất độc. Ông Ca-Diếp tưởng rằng Đức Phật thế nào cũng bị con rắn thiên nầy cắn chết, nào ngờ chính con rắn lại bị Đức Phật hàng phục bằng sức thần thông của Ngài. Cả ba anh em ông Ca Diếp hết sức ngạc nhiên và họ đem toàn thể 500 đệ tử xin qui y theo Phật.

Gần thành Vương Xá (Rajagaha), tại Upatisa có một thanh niên rất thông minh tên là Xá Lợi Phất (Sariputta). Gia đình ông thuộc loại giàu có và danh tiếng nhất làng. Tuy sống trong giàu sang quyền quý, nhưng ông cảm thấy cuộc sống trống rỗng và vô vị. Ông có người bạn thân là Mục Kiền Liên (Moggalana) ở vùng Kokita thường xuyên đi khắp nơi để tìm thầy học đạo. Nghe danh Đức Phật đang thuyết pháp tại tu viện Veluvana, hai vị liền tìm vào yết kiến. Đức Phật thâu nhận hai ông vào tăng đoàn với câu nói đơn giản:”Etha Bhikkhave !” nghĩa là “Hãy đến đây! Các Tỳ Kheo”. Mười lăm ngày sau đó, Xá Lợi Phất chứng quả A la hán và Mục Kiền Liên thì chứng sau một tuần. Đức Phật triệu tập Tăng chúng lại và tuyên bố hai ngài là hai vị thượng thủ của Tăng đoàn.

Sau đó Đức Phật về lại thành Ca-tỳ-la-vệ để thăm lại phụ vương và gia đình. Mặc dầu Ngài chỉ ở lại có bảy ngày, nhưng Ngài đã cảm hóa tất cả những người trong dòng họ Thích, và ai ai cũng muốn xin xuất gia theo Phật, như các ông: Nan Đà, A Nan Da, A nâu Lâu Đà, La hầu La (con của Phật). Khi về thăm quê hương và gia đình xong, Đức Phật cùng chư đệ tử lại tiếp tục đi truyền đạo.

Mặc dù Đức Phật đã cảm hóa cả gia đình để họ noi gương Ngài mà xuất gia, tu học, để rồi được giải thoát cũng như Ngài, nhưng lúc bây giờ trong tăng đoàn của Ngài chưa hề có ni cô, bởi vì Ngài nghĩ rằng thu nhập ni cô có thể tạo ra sự hiểu lầm cho chúng sanh vì con gái họ hơặc vợ họ một khi đã quy y theo Ngài thì gia đình họ có thể tạo nên sự bất ổn và dĩ nhiên họ sẽ gây rắc rối cho tăng đoàn, cho dù Ngài lúc nào cũng quan niệm và chủ trương nam nữ bình đẳng. Hiểu rõ tâm trạng đó, bà kế mẫu Ma-Ha-Ba-Xa-Ba kết hợp một nhóm mệnh phụ phu nhân khoảng 50 người trong đó có cả Công chúa Da Du Đà La. Bà yêu cầu mọi người cạo đầu, từ bỏ những áo quần cao sang lòe loẹt, vứt bỏ hết những nữ trang và thay vào đó bằng những chiếc áo cà sa. Họ đi bộ từ kinh thành Ca-tỳ-la-vệ đến chỗ Đức Phật đang truyền đạo (Versali), đoạn đường dài trên trăm dặm với thiện tâm được Phật thâu nhập vào Tăng đoàn. Đoàn người đi tới đâu thì khất thực tới đó và cuộc hành trình đầy thử thách nầy của họ phải mất 15 ngày mới đến được Versali. Khi họ đến nơi, chính Tôn giả A Nan không khỏi bàng hoàng xúc động khi thấy hai bàn chân của họ đều sưng lên và chảy máu trông rất thảm thiết. Đức Phật đưa ra 8 điều kiện (Bát kỉnh pháp) trước khi cho phép họ gia nhập Tăng đoàn và tất cả đều chấp nhận 8 điều kiện của Đức Thế Tôn. Làm sao Đức Phật có thể chối từ lời thỉnh cầu của họ cho được bởi vì họ đã chứng minh cho Ngài thấy là họ, cũng như Ngài khi xưa, có thể lìa xa cung vàng điện ngọc, giàu sang phú quý, để chấp nhận một cuộc sống đơn giản, thanh nhàn, có cơ hội học hỏi từ Đức Thế Tôn và tìm đường giải thoát cho bản thân họ. Đây là những ni cô đầu tiên trong tăng đoàn của Đức Phật.

Mặc dầu chấp nhận như vậy, nhưng Đức Phật vẫn than thở với Đại đức A Nan rằng:”Chánh pháp của Ta có thể duy trì một ngàn năm, nhưng vì phụ nữ được phép xuất gia, cuộc sống Thánh của các đệ tử Ta sẽ không duy trì lâu dài và từ nay Chánh pháp cao cả của Ta chỉ còn tồn tại 500 năm nữa mà thôi”.

Có thể nói Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã cho thành lập một Ni đoàn với đầy đủ giới luật và uy nghi.

Riêng Công chúa Da Du Đà La (đồng tuổi với Đức Phật) xuất gia không bao lâu thì chứng được quả A la hán và bà ta là người giỏi phép thần thông nhất trong giới Tỳ kheo ni. Công chúa nhập diệt năm 78 tuổi.

Còn La Hầu La (con trai Phật) thì được giao cho ngài Xá Lợi Phất trực tiếp dạy dỗ. Chính Đức Phật đích thân giảng cho La Hầu La kinh Ambalatthika Rahulovada Sutta, trong đó Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của tánh trung trực, của sự phản tỉnh để diệt trừ mọi ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, bất chánh. Sau khi nghe kinh Cula Rahulavada, ngài La Hầu La chứng được quả A-La-Hán. Ngài qua đời trước Đức Phật.

Tôn giả A Nan là anh em cô cậu với Đức Phật. Ông là con của Amitodana, em vua Tịnh Phạn. Vì ngày ông sinh ra đem lại niềm hoan hỷ nên được đặt tên là Khánh Hỷ (A Nan). A Nan xuất gia theo Phật lúc còn trẻ cùng với bảy vị vương tử khác và ông là người luôn luôn ở bên cạnh Đức Phật (thị giả) trong suốt 25 năm trời cho đến khi Đức Phật nhập diệt. Đức Phật tán thán ông là người học rộng uyên bác, có trí nhớ tốt, tính kiên định, săn sóc chu đáo và ứng xử tốt. Tôn giả là người duy nhất có thể nhớ tất cả những bài kinh mà trước đây Đức Phật đã thuyết giảng cho nên trong những lần kếp tập kinh điển đầu tiên, Tôn giả A Nan là người tụng thuật lại kinh tạng trong khi đó, Tôn giả Ưu bà ly tụng thuật lại Luật tạng. Mãi một thời gian lâu sau khi Đức Phật nhập diệt thì ông mới chứng được quả A la hán. Ngài nhập diệt vào năm 120 tuổi.

Một thời gian sau, khi nghe tin vua Tịnh Phạn bị đau nặng sắp băng hà, Đức Phật vội vã về thăm cha lần cuối. Thấy phụ vương buồn rầu trên giường bệnh, Ngài giảng giải về lẽ vô thường, nguồn căn của nổi khổ và luật vô ngã cho vua cha nghe. Nghe xong, nhà vua liền dứt hết phiền não, gương mặt bổng vui tươi rồi băng hà một cách êm ái.

AN CƯ KIẾT HẠ VÀ NHỮNG TỊNH XÁ

Ở Ấn Độ thì mùa mưa thường xảy ra giữa tháng 7 và tháng 11. Trong khoảng thời gian nầy Đức Phật không đi thuyết pháp từ nơi nầy đền nơi khác mà Ngài cùng chư Tăng tề tựu trong các tu viện để thuyết pháp và tham thiền. Thời gian nầy được gọi là mùa an cư kiết hạ. Đây chính là thời gian mà chư Tăng có cơ hội học hỏi từ Đức Chí Tôn trong suốt 49 năm hành đạo của Ngài. Bao nhiêu bộ kinh hay nhất đã được giảng dạy trong lúc nầy. Khi mùa mưa dứt thì chính Đức Phật cùng tất cả chư Tăng lên đường đi khắp mọi nơi trong nước Ấn độ và Tây Tạng để hoằng dương đạo pháp và họ chỉ trở lại đây vào mùa mưa năm tới mà thôi.

 1)Tịnh xá Kỳ Viên (Jatavana):

Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapindika) tên thật là Tu Đạt Đa là đại thần của vua Ba-Tư-Nặc và là vị thí chủ lớn nhất ủng hộ Đức Phật và Tăng chúng. Ông là một người trí tuệ sáng suốt, học hành cao siêu, nhà cửa giàu sang, lòng dạ nhơn đức, thường hay cứu giúp kẻ nghèo hèn cơ khổ, kẻ mồ côi mồ cút nên ai cũng kính mến và ngợi khen mà đặt cho ông danh hiệu là “Cấp Cô Độc”.

Truyện kể rằng, vì quá quý mến Đức Phật, ông bèn bạch Phật rằng:”Xin Đức Thế Tôn mở lòng từ bi, dời gót sen đến nước Xá Vệ là chỗ xứ sở của con đặng nhờ Ngài truyền pháp chơn chánh để mà dìu dắt chúng sanh ra khỏi đường mê lối vọng. Xin Ngài chuẩn lời thỉnh thì con trở về lập nhà tịnh xá liền”.

Phật nhận lời và sai ông Xá Lợi Phất đi trước với ông Tu Đạt Đa đến nước Xá Vệ mà lựa một chỗ đất cao ráo để cất nhà Tịnh xá. Hai ông đi tìm khắp nơi mà chưa được chỗ nào xứng đáng. Sau cùng họ gặp được một miếng đất rộng rãi, cao ráo và mát mẻ, có cây cổ thọ, có suối cam tuyền, cảnh trí thanh tịch, phong quang đẹp đẻ, đáng là một chỗ danh thắng dà lam. Ông Tu Đạt Đa hỏi thăm mới biết miếng đất ấy là vườn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta), nên ông đến để bày tỏ lòng sở nguyện của mình. Thái tử Kỳ Đà trả lời rằng:”Như khanh muốn mua vườn của ta thì về chở vàng đến lót khắp cả trên mặt đất, rồi ta sẽ bán cho”. Ông Tu Đạt Đa nghe nói như vậy thì hết sức vui mừng, tức thì trở về sai người chở vàng đến mà trải lót trong nữa ngày thì đầy, chỉ còn mấy chỗ có cây choán, thì không thể trải được mà thôi. Thấy ông đang tư lự suy nghĩ thì Thái tử Kỳ Đà bèn hỏi:”Nếu khanh thấy giá quá cao thì thôi, chớ ta không ép. Vì muốn chìu lòng khanh, ta mới hứa bán, chớ ta là con vua thì đâu có cần tiền mà phải bán vườn”.

Ông bèn tâu:”Tâu Điện Hạ! Chẳng phải tôi có lòng nghĩ sự mắc rẽ, mà tôi đang suy tính không biết sai người về lấy vàng trong cái kho nào nữa mà chở đến trải cho đầy những chỗ đất chưa lót vàng đó, chớ không phải tôi tiếc của đâu! Cúi xin Điện Hạ hoan hỉ”.

Thái tử nghe nói thì tự nghĩ :”Thật rất ít người trọng đạo mà khinh tài như ông nầy; vì phần nhiều trong nhân gian ai ai cũng muốn tiền bạc sung túc để tiêu xài cho sung sướng, chớ ai lại đem của ra mà mong cầu lấy phước quả về sau như ông nầy”. Thái tử bèn nói với ông Tu Đạt Đa:”Khanh đã có lòng tác phước, ta há không dạ làm lành! Thôi! Bây giờ nếu chỗ đất nào đã trải vàng rồi thì thuộc về phần của khanh, còn mấy chỗ có trồng cây mà không thể trải vàng được tức là của ta, thì ta cũng nguyện dâng cúng luôn cho Phật”. Từ đó công viên có tên là :”Cấp cô độc viên Kỳ đà thụ” hay Tịnh xá Kỳ Viên. Đức Phật đã giảng nhiều kinh và lưu lại 19 mùa mưa tại Tịnh xá nầy.

Khi thuyết pháp cho ông Trưởng giả Cấp Cô Độc về hạnh Bố thí của người Phật tử tại gia thì Đức Phật dạy rằng:”Sự cúng dường cho Phật cùng chư Tăng là công đức rất lớn. Nhưng công đức lớn hơn là phải quy y và thọ trì giới. Nhưng công đức lớn nhất là người Phật tử tại gia cần phải phát triển trí tuệ để thấy được chân tướng của sự vật và hiểu được tánh vô thường, vô ngã của sự vật để được giải thoát, tự tại”.

Khi ông Cấp Cô Độc lâm bịnh nặng, ông mời Tôn giả Xá lợi Phất đến giảng kinh tại nhà. Sau đó, ông qua đời và sanh lên cõi Trời Đầu Suất (Tushita).

2)Tịnh xá Rajakarama: Cũng tại kinh thành Savathi của xứ Kosala nầy, ngoài Trưởng giả Cấp Cô Độc thì vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cũng là một thí chủ lớn của Đức Phật cùng chư Tăng. Để tỏ lòng kính mến Đức Phật, nhà vua cho xây tu viện Rajakarama để cúng dường cho Phật trong mùa an cư kiết hạ. Trong cuộc chiến tranh giữa hai nước Kosala và Ma Kiệt Đà mà nhà vua của nước Ma Kiệt Đà là A Xà Thế cũng chính là cháu của nhà vua Ba Tư Nặc. Khi nghe tin vua Ba Tư Nặc thua trận, Đức Phật dạy rằng:

“Thắng trận sinh thù oán

 Bại trận nếm khổ đau

 Ai bỏ thắng bỏ bại

 Tịch tịnh hưởng an lạc”.

3)Tịnh xá Pubbarama: Trong kinh thành Savathi, còn có nữ thí chủ tên là Visakha. Bà xuất thân trong gia đình triệu phú và lấy chồng cũng là triệu phú. Khi bà lên 7 tuổi thì bà may mắn gặp được Đức Phật tại nơi sinh quán của bà, từ đó bà rất kính phục Đức Phật. Biết Đức Phật thường thuyết giảng tại kinh thành Savathi, bà nguyện xây Tịnh xá Pubbarama để cúng dường cho Phật. Chính Đức Phật cùng chư Tăng đả trải qua 6 mùa kiết hạ tại Tịnh xá nầy.

Bà Visakha là nữ thí chủ lớn nhất của Đức Phật và Tăng chúng cũng như ông Trưởng giả Cấp Cô Độc là nam thí chủ lớn nhất.

4)Tịnh xá Trúc Lâm: Vua Tân Bà Xa La (Bimbisara) của nước Ma kiệt Đà, có kinh đô là thành Vương Xá, từng gặp Đức Phật khi Ngài mới xuất gia và yêu cầu Đức Phật trở lại thăm vua sau khi Phật thành đạo. Khi Đức Phật đến, nhà vua cho xây cất Tịnh xá Trúc Lâm để cúng dường cho Đức Phật. Đức Phật đã trải qua 6 mùa an cư kiết hạ tại nơi đây.

Bà vợ thứ của vua là Khema sau nầy cũng xuất gia cùng bà kế mẫu của Phật để lãnh đạo Ni chúng. Còn con vua Tân Bà Xa La là A Xà Thế (Ajatasattu) sau nầy cướp ngôi và giết vua cha. Đó là do nghiệp quá khứ của nhà vua quá nặng nề, nhưng nhờ công đức mà ông đã tạo dựng nhà vua vẫn được sanh lên cõi trời Lummaharajika với cái tên là thiên chủ Janavasabba.

Cũng nên nói thêm là vua A Xà Thế sau khi cùng Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) âm mưu giết Phật không thành, biết ăn năn hối lỗi, xin Phật cho quy y và trở thành Phật tử tại gia hàng đầu của Đức Phật. Nhưng bởi do nghiệp quá khứ nặng nề, cho nên đến lượt ông, ông cũng bị con ông giết và cướp ngôi.

5)Tịnh xá vườn xoài: Kỹ nữ nổi danh tài sắc Ambapali của thành phố Versali là người mà một thời là ái thiếp của vua Tân Bà Xa la của xứ Ma Kiệt Đà. Ambapali sinh cho vua Tân Bà Xa la một người con. Người con nầy được sinh ra từ những đam mê trụy lạc của một quân vương và một kỹ nữ. Nhưng, đó sẽ là một đóa sen từ bùn lầy tanh hôi mà vươn lên với hương sắc thuần tịnh. Họ đặt tên cho đứa bé là Vimala, có nghĩa là không ô nhiễm, hay sẽ dứt sạch ô nhiễm. Quả nhiên, về sau Vimala xuất gia theo Phật rồi chứng đắc quả A La Hán. Trên đường đến Câu Thi Na trước khi Đức Phật nhập diệt thì Ngài có dừng lại Vesali và nghĩ tại vườn xoài của Ambapali. Được tin, Ambapali đến chào Đức Phật và trân trọng mời Đức Phật cùng chư Tăng ở lại dùng tiệc trai. Sau đó bà kính tặng Đức Phật và chúng Tăng vườn xoài to lớn của bà để làm Tịnh xá. Sau nầy, Ambapali cũng xuất gia và chứng quả A la Hán.

Bạn đang xem: Cuộc đời Đức Phật Thích Ca và những điều chưa biết-P2
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0984097970
Lỗi giao diện: file 'snippets/compare-init.bwt' không được tìm thấy