-
- Tổng tiền thanh toán:
Tìm hiểu cách thức thờ phật, lạy phật và cúng phật trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam
Đức Phật là bậc phước đức và trí tuệ, người đã dày công tu luyện cho trí tuệ sáng suốt và đầy đủ đức hạnh cao quý. Đức hạnh và trí tuệ ấy đã được Đức Phật sử dụng để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi và đến bờ an vui. Tuy nhiên, cách thức thờ phật, lạy phật và cúng Phật không phải ai cũng biết. Mời các bạn cùng tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây của đồ đồng Lê Gia.
1. Đôi nét về truyền thống tín ngưỡng của người Việt
Với người Việt từ xa xưa, bất cứ ai có công ơn với Quốc gia, xã hội đều sẽ được tôn sùng, ngưỡng mộ. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự tri ân và mong muốn noi theo gương sáng ấy. Đó là gốc của một xã hội gồm những con người nhân nghĩa, tránh xa điều xấu, điều ác. Những con người có đạo đức, gieo mầm thiện. Trên thế giới, bất luận phương trời nào, dân tộc nào, người có công với làng xóm sẽ được tôn thờ, người có công với quốc gia, dân tộc thì được quốc gia, dân tộc tôn thờ.
Các nghi lễ thờ cúng của các tôn giáo cũng không ngoại lệ. Ở các tôn giáo, Giáo chủ là bậc có công lớn với nhân loại và là tấm gương để các tín đồ soi sáng đời mình. Trong đó, Đức Phật được nhiều tín đồ thờ, lạy và cúng nhất.
>> Tham khảo thêm Các mẫu tượng Phật thờ cúng bằng đồng
2. Thờ Phật thế nào? Cách thức ra sao
Phật là bậc phúc đức và trí tuệ, mong muốn dẫn dắt chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi, nguyện độ cho chúng sanh. Đức Phật có đủ những đức tính quý báu, bậc siêu phàm xuất chúng, lời dạy quý báu, cử chỉ cao thượng, một đời gương mẫu, chúng ta không tôn thờ thì còn tôn thờ ai?
Thờ Phật là để có trước mặt một gương mẫu sáng suốt, để lời nói và hành động của mình hướng đến chân, thiện, mỹ như Phật vậy. Thờ Phật để bên mình có ngọn đèn trí tuệ của Ngài soi sáng, chứ không phải để cầu cạnh Ngài ban phước, trừ họa, mua may bán đắt bất lương. Càng không phải để Ngài che chở làm điều bất chính. Nếu thờ Đức Phật với mục đích sai lạc sẽ tự tạo tư tưởng không tốt cho chúng ta.
2.1. Nên thờ Đức Phật nào?
Đức Phật nghĩa vô lượng thọ, vô lượng quang, công đức vô lượng vô biên, thờ một Đức Phật là thờ tất cả. Tuỳ giáo hóa của mỗi Đức Phật cùng pháp môn tu hành để thờ Đức Phật cho xứng lý. Như hiện nay, chủ yếu thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Với những ai cần "Trì danh niệm Phật" để cầu vãng sanh thì nên thờ Đức Phật A-Di-Đà. Nếu Phật tử muốn thờ tất cả Phật thì nên thờ "Tam Thế Phật", đó là 3 vị Đức Phật Thích Ca, Đức Di-Lặc và Đức A-Di-Đà.
2.2. Cách thức thờ Phật ra sao?
Khi thờ Tam Thế Phật, phải sắp chung một bàn. Nếu tượng lồng kính nên treo ngay thẳng, không cái cao, cái thấp, không cái to, cái bé. Thờ tượng gỗ, tượng đồng, tượng sành cần để ngang hàng, không để cấp trên, cấp dưới. Bàn thờ Phật đặt chính, bàn thờ ông bà ở phía dưới hoặc sau. Bàn thờ Phật không để tạp vật, chỉ có lư hương, chân đèn và dĩa quả. Hằng ngày phải lau quét sạch sẽ.
3. Lạy Phật
Xưa kia, khi Đức Phật còn tại thế, các đệ tử đều cúi xuống ôm chân Phật. Đặt trán mình lên chân Ngài để tỏ sự ngưỡng mộ, bậc tối thượng. Sau khi Phật nhập diệt, tín đồ vẫn cúi xuống ôm chân Phật và duy trì đến tận ngày nay.
Cách lạy Phật đúng nghĩa là phải quỳ xuống, hai bàn tay ngửa ra như đang nâng hai chân Phật. Lưng cúi lưng xuống và đặt trán lên hai lòng bàn tay. Trước khi lạy Phật, phải rửa mặt, súc miệng, thay y phục, lau tay chân và mặc áo tràng. Đốt hương, đứng ngay thẳng, tay chắp trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, tâm tưởng đến đức hạnh của Ngài và tỏ bày nguyện vọng, cắm hương, đánh chuông và lạy Phật ba lạy.
3. Cúng Phật
Cúng Phật là cách nói tắt của cúng dường Tam Bảo. Cúng dường Tam Bảo nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng Phật, Pháp, Tăng.
Đức Phật thoát khỏi vòng sanh tử nên không còn hạn cuộc trong sự ăn uống. Phật đã nhập diệt lâu rồi, nhưng chúng ta luôn xem như Ngài còn tại thế. Xưa đệ tử cúng dường Ngài như thế nào, thì nay chúng ta tiếp tục như thế. Việc cúng dường này sẽ cho chúng ta gần với Phật hơn, cảm giác như được ở bên cạnh Phật, được kết duyên lành với Phật, để noi bước chân của Ngài.
Muốn cúng Phật chỉ nên dùng hương thơm, hoa tươi, trái tốt, đèn sáng, nước trong và cơm trắng là đủ.
Phật tử cần cúng dường Pháp bảo, bởi Pháp bảo là các Pháp của Phật đã giảng dạy. Chúng sinh y theo đó để tu hành, muốn cúng dường Pháp bảo, Phật tử phải học Kinh, Luật, Luận cùng các giáo lý để biết thế nào là Pháp bảo, là chánh giáo. Việc ấn tống hay xuất bản Kinh điển giúp phổ thông Pháp bảo đều là cúng dường Pháp bảo.
Phật tử nên cúng dường Tăng bảo, kính trọng Tăng vì chư Tăng thay Phật truyền giáo lý. Không được phân biệt Tăng của xứ nào, chùa nào hay phái nào. Những vị Tăng có đủ giới đức thì Phật tử sẵn sàng cung phụng cả.
4. Kết Luận
Thờ Phật, lạy Phật và cúng Phật xuất phát từ lòng tri ân sâu xa với bậc đã hy sinh vì hạnh phúc vĩnh cửu của chúng sinh. Việc thờ lạy và cúng Phật là để chúng ta có trước mắt, trên đầu một cái gương hoàn hảo để noi theo. Thờ lạy và cúng Phật, thực hành thành tâm, thiện chí và đúng nghĩa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hiện tại và vị lai
Với hiện tại là được sống trong bầu không khí xán lạn, tốt lành của Chư Phật. Sống nghiêm chỉnh, trên thuận dưới hòa, không sống bừa bãi, không làm xằng, nghĩ quấy. Cho nên các gia đình muốn có hạnh phúc, sống có ý nghĩa, con em không bê tha, trụy lạc thì nên thiết bàn Phật, ngày ngày lễ bái và cúng dường Ngài cho gia đình sống một đời sống hiền lương và có đạo vị.
Đến khi lâm chung những nghiệp lành hằng ngày sẽ cảm lòng từ bi của Chư Phật và Bồ tát. Sẽ phóng quang tiếp dẫn giác linh về cõi Tịnh độ an vui.
Việc thờ, lạy và cúng Phật, Pháp, Tăng để có kết quả cần phải phát tâm chánh tín. Nếu thờ, lạy và cúng dường Tam bảo sai lạc còn mang thêm tội và lăn mãi trong sinh tử luân hồi.
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính sáng suốt, nếu tu tập theo Phật thì sẽ thành Phật. Bồ tát và Hộ pháp thần vương, hộ niệm cho tất cả những người phát tâm thờ cúng Phật cho công tròn, quả mãn.