Đồ Đồng Đông Sơn - Đồ đồng mỹ nghệ cao cấp

Cuộc đời Đức Phật Thích Ca và những điều chưa biết-P1

Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở miền Trung Ấn Độ mà hiện nay được gọi là nước Nepal, một nước ở ven sườn dãy Hy mã lạp sơn, là dãy núi cao nhất thế giới và tiếp giáp với nước Tây tạng. Nguyên Ngài là Thái tử nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Phụ hoàng tên là Tịnh Phạn vương Đầu-đà-na (Sudhodana) và Mẫu Hoàng tên là Ma-da (Maya). Họ của Ngài là Kiều-Đáp-Ma  (Gautama), được dịch là Cù-đàm và tên Ngài là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha).

Truyện kể rằng: Một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma-da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, Hoàng Hậu nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung bay xuống và sau đó lấy ngà mà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Hoàng Hậu bèn đem điều chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng:”Hoàng Hậu sẽ sanh ra một quý tử có tài đức song toàn”.

Nhà vua rất vui mừng vì nghĩ rằng ngôi báu của Ngài từ đây có người truyền nối. Theo tục lệ của Ấn Độ thì Hoàng Hậu phải trở về nhà của cha mẹ là vua A Nậu Thích Ca (AnuShakya) ở nước Câu-ly (Koly) để cha mẹ chăm sóc trước khi sanh nở. Trên nửa đường đi về nhà cha mẹ, Hoàng Hậu cùng đoàn gia nhân tới vườn hoa Lâm tỳ ni (Lumbini) thì bình minh vừa ló dạng.

Tương truyền rằng vì thấy vườn hoa tươi đẹp nên Hoàng Hậu Ma-da rảo bước ngắm hoa. Trông thấy nhánh hoa “vô ưu” mới nở vừa thơm vừa đẹp và cành lá sum suê nên Hoàng Hậu bèn lại gần và với tay bên phải để hái hoa thì Thái Tử bỗng đâu từ trong hông phải của bà chun ra. Khi đó bỗng nhiên từ dưới đất mọc lên một đóa hoa sen Thất Bảo lớn như bánh xe mà đỡ cho Ngài. Thái tử vừa giáng sinh thì bước đi bảy bước có bảy đóa sen đỡ chân. Một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng:”

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Vô lượng sinh tử

Ư kim tận hỷ”

Có nghĩa là:

Trên trời, dưới trời

Ta là người duy nhất

Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta

Vì không còn sinh tử nữa.

“Ngã” ở đây là chấp ngã nghĩa là chấp thân, tâm này thật sự là “ Ta” và “Cái Của Ta”. Đức Phật không phủ nhận thân này là ta hay những vật sở hữu mà chúng ta dày công gầy dựng là của ta, nhưng Ngài chỉ nhắc nhở rằng cái Ta hay cái của Ta chỉ là dựa trên quy ước, trên danh nghĩa của cuộc đời thế thôi. Nếu con người chấp cứng vào nó thì đây là những sợi dây vô hình cột chặt con người vào cảnh khổ, không có lối thoát từ kiếp sống này và đến biết bao kiếp sau nữa. Tại sao? Bởi vì khi còn chấp là còn dính mắc, còn bị ràng buộc trong thế gian. Từ chấp ngã mà gốc rễ tham, sân, si mới có cơ hội phát tác. Tùy theo cường độ tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng: “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham, sân, si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất “vô ngã, duyên sanh” từ thân, tâm đến hoàn cảnh chung quanh”. Đó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.

Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng

Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa giải thích câu: “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn” là “Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất”. Nhưng tại sao lại là đấng tôn quý nhất? Bởi vì chữ “Ngã” trong câu này có nghĩa là “Chân Ngã” tức là “Phật tánh”. Vì là Phật tánh cho nên trên trời, dưới đất không có gì quý bằng.

Bây giờ, hãy lắng nghe Đức Phật diễn tả lại cuộc hành trình đó trong kinh Pháp Cú câu 154:

 “Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” .

Kẻ làm nhà ở đây là tham lam ái dục, là độc đầu tiên trong tam độc tham, sân, si. Nhà là tấm thân do ngũ uẩn giả hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi nghĩa là Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là Ngài đã thành tựu tuệ giác siêu việt nên không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó, lên xuống trong ba cõi sáu đường. Do vậy Ngài tuyên bố câu:

“Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” nghĩa là vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa. Vì vậy muốn liễu sanh thoát tử thì bắt buộc phải thực chứng chân lý “Vô Ngã”.

Tuy nhiên, kinh điển Nguyên thủy Pali không hề nói đến việc Thái tử sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu Ma-da. Trong Trường Bộ Kinh Tập 1, Kinh Đại Bổn 14 có câu:”Này các Tỳ kheo! Pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát Tất Đạt Đa từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy”. Như thế theo kinh tạng Nguyên thủy, sự đản sanh của Đức Phật là một con người bình thường, Hoàng hậu Ma-da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác trên thế gian này.

Đây là ngày mồng tám tháng tư (624 năm trước Tây lịch). Thái Tử được đặt tên là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha) và cũng theo tục lệ của Ấn Độ thì người con phải lấy họ mẹ là Thích Ca. Hoàng Hậu Ma-da tạ thế sau khi sanh Thái tử được bảy ngày. Mặc dầu chết sớm, nhưng Hoàng Hậu rất vui mừng vì đã sanh ra được một quý nhơn và bà nghĩ rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý đó cũng như đã rửa sạch những nghiệp báo trên đời này. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho em gái của Hoàng hậu là bà Ma-ha-Bà-xà-ba (Mahaprajapati) nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn.

Ngày đản sanh Thái tử, khắp nơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa kết trái, trên không thì chim chóc múa ca và hào quang chiếu sáng cả mười phương. Đức vua cha vui mừng khôn xiết và Ngài cho mời các vị tiên tri đến xem tướng cho Thái tử. Có vị đạo sĩ nổi tiếng tên là A Tư Đà (Asita) lúc đó đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi đến cung vua để chào mừng và xem tướng cho Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ A Tư Đà bỗng nhiên chấp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cười mà vẻ mặt thoáng buồn. Ông nói là rất vui mừng vì :“Thái Tử có 32 tướng tốt xuất hiện nên sau này sẽ thành một vị Thánh”, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời nên không có cơ hội được trực tiếp giáo huấn bởi vị Thánh nầy để được giải thoát. Nghe xong nhà vua không được vui cho lắm vì Ngài chỉ muốn con mình làm một vị vua để nối dõi tông đường mà thôi. Vì thế mà nhà vua muốn đổi số mệnh cho con mình nên đặt tên cho Thái tử là Tất-Đạt-Đa, theo tiếng Phạn có nghĩa là kẻ sẽ giữ chức vị mà mình phải giữ. Chức vị mà nhà vua muốn ám chỉ ở đây là ngôi vua, nhưng nhà vua đâu có ngờ rằng chức vị sau nầy của con Ngài chính là chức vị Phật.

>> Tham khảo các mẫu tượng Phật bằng đồng

>> Tham khảo bài viết: Phân biệt tượng Phật Thích Ca và Tượng Phật A Di Đà

Khi Thái Tử lên bảy tuổi, nhà vua cho mời tất cả những vị thầy giỏi nhất trong nước để chỉ dạy cho Ngài. Thái tử làu thông các môn văn học và ngôn ngữ học. Ngài tiếp tục chuyển qua môn công kỹ nghệ học, rồi đến Y học. Sau đó Ngài còn hấp thụ cả về Luận lý học cũng như Đạo học. Riêng về Đạo học, Thái tử được dạy về 4 sách của các Thánh Vệ Đà (Veda). Đây là những sách nói về các Thánh của Bà La Môn. Kinh Phật nói rằng chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã làu thông tất cả 5 môn học và 4 sách Vệ Đà trên. Đến năm 13 tuổi, Thái tử bắt đầu học võ thuật. Nhờ có sức khỏe phi thường, Thái tử học môn gì cũng giỏi. Đặc biệt là môn bắn cung, trong một cuộc hội thi, Thái tử đã bắn một mũi tên xuyên qua 7 lớp trống đồng, trong khi những người giỏi nhất khác chỉ bắn xuyên được ba lớp trống đồng mà thôi. Chẳng bao lâu Thái tử đã trở thành một vị văn võ song toàn khó một ai sánh kip. Song song với sự phát triển về tài năng, đức độ của Ngài cũng phát triển một cách vô cùng nhanh chóng và sâu rộng. Tình thương của Ngài đối với mọi người và mọi vật bao la cao cả. Nhưng có một điều lạ là từ khi sanh ra cho đến khôn lớn, Ngài chưa lần nào được dạo chơi ngoài thành cả.

ĐỜI LÀ BỂ KHỔ

Một ngày xuân nọ, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Mặc dầu mới nhìn cảnh mát mẻ của mùa xuân với nào là hoa quả tươi thắm, muôn chim ca hót trên cành. Đây là một cảnh thái bình và an lạc, nhưng trong tâm hồn của Thái tử cảm thấy bồn chồn và xao động vì Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật thì nhận thấy rằng cỏi đời không đẹp đẻ an vui như khi mới nhìn qua. Bởi vì dưới ánh nắng thiêu đốt kia, người nông phu và trâu bò phải làm việc hết sức cực nhọc để đổi lấy bát cơm và nắm cỏ. Khi Ngài nhìn qua khu rừng kế bên, thì thấy người thợ săn đang rình trong bụi rặm để nhắm bắn những con chim đang líu lo trên cành mà chính người thợ săn không biết là con cọp đang rình để chụp lấy ông ta. Đây là một cảnh tương tàn tương sát. Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng mọi thủ đoạn để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Từ đó Ngài nhận thấy rõ ràng sự sanh sống là khổ. Một hôm khác, Thái tử xin vua cha được đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Khi ra đến cửa đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, lưng còng, chống gậy bước từng bước nặng nề như người muốn ngã. Đến cửa nam, Thái tử thấy một người bịnh hoạn đang than khóc, rên siết đau đớn vô cùng. Qua đến cửa tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm ngay giữa đường, ruồi nhặng bu quanh và thi thể sình lên trông rất ghê tởm. Rồi một buổi nọ Ngài ra cửa bắc thì gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tỉnh và thản nhiên như người vô sự đi qua đường. Ngài vội vã đến chào và hỏi về lợi ích của sự tu hành. Vị sa môn đáp lại rằng:”Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, để cầu cho mình khỏi khổ và được chánh giác để phổ độ chúng sanh đều được giải thoát như mình”.

Khi về lại hoàng cung, Thái tử nghĩ lại những cảnh: khổ, già, bệnh, chết cùng với cái ấn tượng tương tàn tương sát trong cuộc sống. Ngài ngẫm nghĩ lời giải đáp của vị tu sĩ nọ đã làm cho Ngài vui mừng khôn xiết. Lời người tu sĩ kia chính là ánh sáng mặt trời đã phá tan những đám mây âm u trong tâm khảm của Ngài bấy lâu nay.

Thấy con mình buồn bã, vua Tịnh Phạn truyền dựng lên một cung điện nguy nga tráng lệ và bày đủ trò đàn ca múa hát để cho Thái tử được vui. Thêm vào đó, vua cha còn cưới cho Ngài một người vợ tuyệt thế giai nhân, đó là công chúa Da Du Đà La (Yosodhara). Thái tử lập gia thất và sau đó có một người con trai tên là La Hầu La (Rahula). Nhìn con Ngài nói:”Một trở ngại đã được sanh, một ràng buộc đã xảy ra”. Tuy sống trong lâu đài tráng lệ, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, quyền uy danh vọng, nhưng Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nổi băn khoăn. Ngài cho rằng đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân chật, mà là cảnh giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài quyết chí phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật và cao đẹp hơn.

Sau cùng Ngài xin vua cha cho mình được xuất gia, nhưng vua Tịnh Phạn từ chối lời thỉnh cầu của Ngài. Không còn cách nào khác hơn, Thái tử yêu cầu vua cha bốn điều, nếu nhà vua giải quyết được thì Ngài sẽ bỏ ý định đi tu để ở lại lo chăn dân trị nước. Bốn điều đó là làm sao cho:

  • Con trẻ mãi không già
  • Con sống hoài không chết,
  • Con mạnh khỏe mãi không đau
  • Và cho mọi người hết khổ.

Bốn điều này làm cho vua cha vô cùng bối rối và không thể nào giải quyết được. Từ khi biết con mình có ý định xuất gia, vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ và cố tìm cách để cản ngăn. Nhưng một khi Thái tử đã quyết thì không có sức mạnh nào có thể ngăn cản được ý định của Ngài.

XUẤT GIA TÌM ĐẠO

Một đêm khuya, thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ đã ngủ say sau một cuộc yến tiệc linh đình, Thái tử quyết chí ra đi. Ngài vội vàng đánh thức tên giữ ngựa Xa-nặc (Channa)  dậy để thắng cương con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) của Ngài.

Trước khi ra đi, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa Da Du Đà La và người con trai đang ngủ say.

Thái tử hé cửa nhìn vào, lòng Ngài xót xa cho người vợ trẻ và đứa con trai còn nhỏ dại của mình. Nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn. Sau đó, hai thầy trò cùng nhau trốn ra khỏi thành vào đêm mồng tám tháng hai. Lúc đó Ngài được 19 tuổi. Thái tử ra đi là Ngài chấp nhận từ bỏ tất cả. Ngài đã để lại phụ vương, ngai vàng, vợ đẹp con xinh và cuộc sống hạnh phúc của một hoàng tử. Sự hy sinh của Ngài không phải là sự từ bỏ của một người già, đau ốm hay của một người nghèo khó, bệnh tật đã ngán ngẫm cuộc đời, mà đây chính là sự hy sinh từ bỏ của một vị hoàng tử đang tuổi thanh xuân và đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của nhân loại.

Khi vào đến rừng sâu, Ngài tìm đến bờ sông Anomà. Nơi đây Ngài cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa nặc đem về. Liền sau đó, Thái tử đổi y phục quý báu của Ngài cho người thợ săn để lấy một chiếc y màu vàng. Bây giờ Thái tử một mình ra đi với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ và bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi thì Ngài ngồi dưới bóng cây, khi thì Ngài nằm nghĩ qua đêm trong một hang đá. Mặc dầu đi chân không và đầu để trần, Ngài vẫn đi bình thản giữa nắng nóng ban ngày cũng như trong những đêm sương lạnh mà tất cả mọi năng lực cũng như ý chí của Ngài đều dồn về với một lý tưởng cao cả là cố tìm cho được một chân lý tối thượng, lý lẽ của sự sống chết và con đường dẫn tới giải thoát để đạt đến cõi Niết bàn bất tử. Ban đầu, Thái tử đã tìm tới thọ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất ở Ấn Độ thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai vị đều tu theo phép Du già và chứng được những cấp thiền định cao nhất. Ngài Alara chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ còn ngài Uddaka thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là những cấp thiền thuộc về vô sắc giới cao nhất mà các tu sĩ Du già có thể đạt được thời bấy giờ. Đối với Thái tử, chỉ một thời gian ngắn là Ngài đã đạt được hai cấp thiền nói trên. Nhưng rồi Ngài nhận thấy đạo lý và lối tu hành của họ cũng không có gì siêu thoát vì Ngài nghĩ rằng bên cạnh thiền định xuất thần đó phải còn một cái gì khác cần thiết cho sự tìm lối giải thoát của Ngài. Vì băn khoăn như thế nên Ngài chọn phương pháp tu khổ hạnh cực đoan may ra Ngài có thể tìm thấy ánh sáng của chân đạo. Ngài tìm đến một nơi có tên là Uruvela. Tại đây có một làng nhỏ mà Ngài có thể đi khất thực hàng ngày. Cảnh vật chung quanh đây thì đẹp đẽ và yên lặng rất thích hợp cho thiền định của Ngài. Cùng đến nơi đây với Thái tử còn có năm nhà tu khác là các ông Kiều Trần Như (Kondana), Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Họ đi theo và tôn kính Ngài như là đấng Đạo sư của họ và họ hy vọng rằng khi Ngài chứng được chân lý bằng cách hành xác thì Ngài sẽ truyền lại chân lý đó cho họ. Lối tu nầy đòi hỏi người tu phải sống một cách kham khổ từ nhịn ăn uống đến dãi nắng dầm sương, hành thân hoại thể một cách ghê rợn. Ngài đã sống sáu năm trong chổ hoang dã, ghê sợ, trong những bãi tha ma hay những nơi dơ bẩn. Ngài từ chối tắm giặt và không mặc áo quần, tệ hại hơn nữa Ngài còn dầm mình trong nắng hạ ban ngày, và chịu lạnh buốt trong những bụi cây của những đêm đông. Ngài không cần dùng nhiều thực phẩm, cố gắng nhịn đói, ngày chỉ ăn một hạt mè, dần dần cho đến khi cái thân đẹp đẽ, vốn là thân Đế vương, mà giờ đây teo rút lại chỉ còn da bọc xương. Bởi vì Ngài nghĩ rằng nếu muốn đạt đến chổ Giác ngộ tối thượng thì mình phải can đảm từ bỏ những gì bên ngoài đã làm cho mình vướng bận cũng như sự thỏa mãn của thân thể.

Một hôm vì quá kiệt sức, Ngài ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên (Neranjara) và khi tỉnh dậy Ngài mới tỉnh ngộ mà nhận thấy rằng lối tu nầy chỉ hành hạ thân xác mà không giải thoát được gì. Ngài nghĩ rằng những rối răm và những căn nguyên của sự đau khổ không phải là từ bên ngoài mà chính là khả năng để từ bỏ những dục vọng từ trong tâm. Vì nhận thức như vậy, Ngài quyết định chọn một con đường mới để đi tìm sự giải thoát và Ngài gọi nó là con đường trung đạo. Dựa theo con đường trung đạo nầy, Ngài đã dùng Giới, Định, Tuệ để tiêu diệt những ô nhiễm ở trong tâm thức và sau cùng trừ hết các căn bản bất thiện tức là ly dục, ly bất thiện pháp. Khi Ngài quyết định như thế, năm nhà tu khổ hạnh trước đây theo Ngài đã từ bỏ Ngài và gọi Ngài là người bỏ cuộc vì không tiếp tục tu hành theo như trước. Ngài nhận thấy rằng sức mạnh của cơ thể là một điều rất cần thiết cho thiền định nên Ngài liền xuống sông Ni Liên tắm rửa và bắt đầu trì khai khuất thực. Mặc dù tấm thân tứ đại là vô thường, nhưng Ngài vẫn cần nó như là chiếc thuyền để đưa Ngài đến bên kia bến bờ Giác ngộ.

Sau khi Ngài thọ bát cháo sữa do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sức khỏe của Ngài lần hồi khôi phục. Rồi Ngài đi đến dưới gốc cây Tát-bạt-la (Pippala: sau nầy được gọi là cây Bồ-đề, có nghĩa là cây Giác ngộ), Ngài ngồi tỉnh tọa dưới cây Bồ-đề trên một nắm cỏ khô, tham thiền và thề rằng:

“Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.

THÀNH ĐẠO

Thái tử ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ-đề suốt 49 ngày đêm, và trong 49 ngày đêm đó, Ngài đã không ngừng chiến đấu với bọn Ma-vương. Ma vương ở đây không chỉ giản dị như là những bọn quỷ sứ, răng nanh, sừng nhọn, hoặc là đầu trâu, mặt ngựa, đến bao vây để cố tìm mọi cách hãm hại Ngài, mà Ma vương ở đây chính là: Phiền não ma, Ngũ uẩn ma, Pháp hành ma, Tứ diệt ma, và Chư thiên ma. Vậy ảnh hưỡng của nó như thế nào?

1)Phiền não ma: Đức Phật đã giải thích phiền não ma trong một đoạn kinh sau đây: “Này Ma vương, dục lạc là ma quán thứ nhất, hai là bất mãn, ba là đói khát, bốn là ái dục, năm là uể oải, buồn ngủ, sáu là sợ hãi, bảy là hoài nghi, tám là phỉ báng và cố chấp, chín là danh lợi, và mười là tự cao, tự đại, kênh kiệu. Này Ma vương, hùng binh của ngươi là thế, chúng luôn luôn thường trụ trong con người xấu xa đê tiện, kẻ hèn yếu thì thất bại, nhưng người nào hạnh phúc được chứng sẽ đạt được chân hạnh phúc. Ta thà chết trên chiến trường còn hơn sống mà thất bại”.

Vì đã biết rõ đối thủ của mình như thế nào, nên với sự kiên tâm và thủ chí, Ngài đã khắc phục được phiền não ma với tâm nguyện chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ. Chiến thắng phiền não ma là một chiến thắng từ trong nội tâm và vì thế sự chiến thắng này sẽ chứng tỏ lối tu hành khổ hạnh khi xưa là lầm đường, lạc hướng.

2)Ngũ uẩn ma: Trong chúng ta ai ai cũng có một cái gọi là cái Ta. Cái Ta chính là sự tạo thành bởi ngũ uẩn, mà ngũ uẩn thì gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì năm món nầy quay cuồng biến chuyển không ngừng trong ta, lúc thì sanh, lúc thì diệt, lúc thì ẩn, lúc thì hiện. Cũng vì sự biến đổi nầy mà đã phát sinh ra không biết bao nhiêu là vọng tưởng trong tâm của chúng ta, hay nói một cách khác là ngũ uẩn chính là vọng tưởng về bản ngã. Do đó, chúng ta có thể nói bản ngã là vọng huyển, vô tưởng, hay ảo giác. Khi đã nhận thấy rõ sự nguy hiểm của cái bản ngã nầy, thì Đức Phật phải phá cho bằng được cái Ta của sự vô thường, có tan, có hợp để đạt đến sự an vui thanh tịnh.

3)Pháp hành ma: Ma chướng nầy có ý ám chỉ những hành động tạo Nghiệp của Thân, Khẩu, Ý. Những Nghiệp thiện ác này phát xuất từ phiền não và cũng chính nó đã đưa sự đau khổ càng lúc càng tăng và như thế thì kiếp luân hồi sẽ xoay vần bất diệt. Bởi thế Đức Phật dạy rằng: “Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà Nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham, sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ sẽ chấm dứt”.

4)Tứ diệt ma: Trong thân tứ đại của chúng ta, luật vô thường đóng một vai trò quan trọng, bởi vì chúng ta có sanh tất có tử. Nhưng cứ mỗi một giây, một phút chúng ta đang chết dần chết mòn chứ đâu phải đợi đến khi chúng ta xuôi tay nhắm mắt mới gọi là chết. Thật vậy, cứ một phút trôi qua, thì chúng ta già đi một tí, nhưng vì nó biến đổi quá nhanh nên chúng ta không nhận thấy mà thôi. Khi nào chúng ta còn vô minh, ái dục, phiền não và ô nhiễm, thì chúng ta còn bị định luật sinh tử chi phối.

5)Chư thiên ma: Đây là loại ma quán duy nhất từ bên ngoài còn bốn loại ma kể trên đều là nội ma cả. Chư thiên ma nầy thì không đáng ngại bằng các nội ma ở trong tâm, do đó Đức Phật lại dạy rằng:”Dù chiến thắng vạn quân ở chiến trường không bằng chiến thắng chính mình, vì đó là chiến thắng cao thượng nhất”. Những chư thiên ma nầy xuất phát từ những vị Trời, những vị quỷ thần trong cãnh giới A-tu-là, dạ xoa. Đôi khi chúng phá phách, và cũng đôi khi chúng phục tòng. Chỉ có nhũng bậc tu hành ở những nơi thanh vắng, hoặc người kém đức có thể bị chúng đe dọa, nhưng đối với những bậc đức độ cao dầy, với ý chí sắt đá không những không khiếp nhược trước bọn ma quỷ này mà họ còn đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về với chánh đạo.

Sau cùng, nhờ năng lực an trụ của tham thiền nhập định, như một bình nước đã được lắng trong không còn chút bợn nhơ, Ngài cảm thấy tâm hồn thật là thư thái và sáng suốt lạ thường. Thế rồi, với tâm vắng lặng, ổn định và trong sáng như pha lê, Ngài lần lượt chứng được tam minh:

1)Túc Mệnh Minh: Vào canh hai, Ngài chứng được Túc Mệnh Minh (Pubbe Nivasanusita nana). Chính minh nầy đã cho Ngài thấy rõ tất cả được quãng đời quá khứ của mình trong tam giới. Theo thứ tự, Ngài biết được trước đây Ngài là ai, tên gì, sống ở đâu. Từ đời sống hiện tại này, ký ức Ngài không còn bị hạn chế bởi luật sinh tử nữa. Ngài bắt đầu nhận ra kiếp trước của Ngài là một thiền nhân, tên là Setaketu, đến đời sống trên trái đất này, nhưng trước đó một kiếp thì Ngài là Thái tử Vesantara. Rồi trở lui lại ba đời, bốn, mười, hai mươi, một trăm, một ngàn, một trăm ngàn. Và cứ thế, vô số kiếp mở ra trước sự quan sát của Ngài.

2)Thiên Nhãn Minh: Vào lúc nữa đêm, Ngài chứng được Thiên nhãn minh (Catupapata nana). Minh nầy giúp Ngài biết về việc sinh và tử của chúng sinh dựa trên cái nghiệp (Karma) mà chính họ đã tạo ra. Do đó Ngài cũng nhận ra rằng tùy theo các hành động thiện hay bất thiện của chúng sinh mà họ sẽ sinh vào đời sau như thế nào. Cái màng nhện rối răm về những tương quan của quá khứ, hiện tại, và tương lai đã trở nên quá rõ ràng và Ngài đã thấy chúng sinh luân hồi tùy theo những hành động thiện hoặc bất thiện của họ. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp để thọ sanh trong Lục đạo Luân hồi.

3)Lậu Tận Minh: Và sau cùng đến canh tư, Ngài chứng được Lậu tận minh (Asavakkaya nana). Lậu là rơi rớt, tận là chấm dứt, là hết. Do đó lậu tận minh là biết tường tận để không còn rơi rớt vào trong lục đạo luân hồi. Đức Phật đã thấy nguyên nhân nào chúng sinh có sanh tử và phương cách nào chấm dứt sự sanh tử để không còn rơi rớt, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Con người không còn sanh tử tức là vĩnh viễn không còn khổ đau. Khi đã hiểu rỏ căn nguyên gốc rễ thì Ngài nói rằng: “Đây là khổ, là phiền não, là ô nhiễm. Đây là nguyên nhân đau khổ, phiền não và ô nhiễm. Đây là sự tận diệt mọi khổ đau, ô nhiễm và chính đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau tức là Niết bàn”. Đây chính là chân lý Tứ Diệu đế.

Thế thì Thái tử Tất Đạt Đa chứng tứ thiền, đắc tam minh trở thành Phật chớ không hề có Bát nhã. Mãi 600 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn, luận sư Long Thọ mới giới thiệu tư tưởng Bát Nhã và 400 năm sau đó, luận sư Vô Trước và em là sư Thế Thân mới giới thiệu Duy thức mà về sau ngài Huyền Trang thỉnh về Trung Quốc và dịch sang Hán tự như Bát Nhã Tâm Kinh, Thành Duy thức luận, Du Già Sư Địa luận…

Thế rồi lúc bình minh vừa ló dạng, bầu trời thật đẹp và trong sáng, chim muôn líu lo trên cành, thật là một bồng lai tại thế. Bởi vì từ đây nhân loại có được một đấng giác ngộ, người mà đã dám hy sinh, từ bỏ tiền tài danh vọng để đổi lấy cuộc sống tu hành khắc khổ, cố tâm tìm đạo để cứu giúp chúng sinh còn đang lặn hụp trong vòng sinh tử trầm luân.

Vì sự giác ngộ đó, mà nhân loại đã gọi Ngài là bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác. Kể từ đây, Thái tử Tất-Đạt-Đa không còn nữa mà trở thành Đức “Thích Ca Mâu-ni Phật” (Shakyamuni Buddha).

* Thích Ca có nghĩa là Từ bi.

* Mâu-ni có nghĩa là Tịch mặc.

  • Tịch là yên lặng, không bị khổ vui làm cho tâm giao động.
  • Mặc là lặng lẽ, không bị phiền não khuấy rối, mong độ cho mình và độ cho người, công đức thật là đầy đủ.

Ngài thành đạo vào ngày mùng tám tháng chạp vào lúc sao mai mọc. Lúc đó Ngài vừa 30 tuổi.

HÓA ĐỘ CHÚNG SANH

Đức Phật Thích Ca vì lòng từ bi vô bờ vô bến đối với chúng sanh mà xuất gia tìm đạo, bởi thế cho nên sau khi giác ngộ, Ngài nghĩ ngay đến sứ mạng cao cả, đó là:”Thay thế chư Phật đời trước mà tiếp tục chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người”.

Sứ mạng nầy Ngài biết trước không phải là một việc dễ dàng vì cái đạo của Ngài thì cao thâm huyền diệu trong khi chúng sanh căn cơ lại không đều, và từ muôn kiếp đã lặn hụp trong si mê lầm lạc do đó khó có thể nhận hiểu ngay ý nghĩa cao thâm của giáo lý Ngài. Chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp đã quen sống trong bóng tối của si mê do đó khi Ngài đem ánh sáng của trí tuệ đến cho họ thì chắc chắn họ sẽ bị choáng mắt. Nhưng Ngài hiểu rằng mặc dù sống trong tăm tối, nhưng mỗi chúng sanh ví như hoa sen, mặc dù sống trong bùn tanh hôi, nhưng vẫn luôn luôn tỏa nhụy vàng thơm ngát. Đó là ý chí và lòng cương quyết của Ngài phải cố gắng thực hiện để hoàn thành trách nhiệm của mình. Với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi vô bờ bến cộng với tinh thần bình đẳng và một ý chí dủng mãnh, Đức Phật đã hoàn thành sứ mạng của mình một cách viên mãn.

>> Tham khảo thêm bài viết: Cuộc đời Đức Phật Thích Ca và những điều chưa biết-P2

>> Tham khảo Các mẫu Tượng Phật bằng đồng

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bạn đang xem: Cuộc đời Đức Phật Thích Ca và những điều chưa biết-P1
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0984097970
Lỗi giao diện: file 'snippets/compare-init.bwt' không được tìm thấy